Có tiếng nhưng… chưa có miếng
Năm 1991-1992, một số nhà nghiên cứu người Pháp đã trồng thí điểm hoa hồng trước nhà khách của UBND huyện Sa Pa nhưng không thành công. Năm 1999, ông Nguyễn Văn Bình (thị trấn Sa Pa) mạnh dạn đưa giống hoa hồng Pháp lên trồng thử ở xứ sở sương mù. Từ 3.600m2 ban đầu, đến nay, ông Bình đã có vài hecta chuyên canh hoa hồng, thu lãi hàng trăm triệu đồng /năm. Hoa hồng “bén duyên” với đất Sa Pa từ đấy. Tiếng tăm của hoa hồng theo chân khách du lịch đến mọi miền đất nước và lan sang cả “trời Tây”.
Sapa Vietnam hiện có 38 hộ chuyên trồng hoa với diện tích 70ha, chủ yếu là hoa hồng, hoa ly và phong lan, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 15 triệu bông /năm. Tuy nhiên, tại Hà Nội, hoa hồng Sa Pa chỉ chiếm 6% thị phần (Hà Nội tiêu thụ khoảng 261 triệu bông /năm). Có nghĩa là “mảnh đất” để hoa hồng Sa Pa phát triển vẫn còn rất lớn. Chị Mai Trang, chủ cửa hàng hoa ở Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Mấy năm nay, hoa hồng Sa Pa được người tiêu dùng ưa thích, nhưng lượng hoa đưa về Hà Nội không nhiều”.
Ngoài những hộ thuê đất trồng hoa, năm 2001, Sa Pa đã thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng hoa Thiện Thành. Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ cũng đầu tư trồng gần 10ha hoa hồng Pháp tại khu du lịch Sa Pa, dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Malaysia...
Nhưng không được như xứ hoa Đà Lạt, nơi bước đầu đã hình thành một nền công nghiệp sản xuất hoa xuất khẩu với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nông dân trồng hoa Sa Pa vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Mặc dù hoa hồng Sa Pa có danh tiếng, thị trường tiêu thụ lớn, nhưng hiện tại người trồng hoa mới chỉ bán xô cho thương lái với giá 1.000-1.200 đồng /bông; nhưng sau khi chọn lọc, thương lái có thể bán 5.000-6.000 đồng /bông, nhiều khi còn cao hơn.
Thực tế cho thấy, lợi nhuận người trồng hoa được hưởng chỉ bằng 1/4 so với người buôn hoa. Nguyên nhân là chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, kinh nghiệm trồng hoa của người dân chưa cao nên chất lượng hoa không đồng đều. Nghề trồng hoa vẫn phát triển tự phát, người trồng chỉ chú trọng vào thị trường hiện tại, chưa chú ý đến việc chủ động điều chỉnh để hoa nở đúng vào dịp lễ, Tết nên giá trị kinh tế không cao.
Cũ người mới ta
Tuy không còn sớm nhưng lãnh đạo huyện Sa Pa cũng như ngành chức năng đang trong hành trình xây dựng thương hiệu hoa cho riêng mình. Mục tiêu phát triển đến năm 2010 là hình thành vùng chuyên canh hoa rộng 150ha. Theo ông Phạm Quốc Cường, Phó phòng Kinh tế huyện: “Nếu cứ để nông dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm thì không lâu nữa, việc tiêu thụ hoa sẽ gặp khó khăn do phải cạnh tranh với Trung Quốc và những vùng hoa có tiếng trong nước”.
Trước thực trạng này, huyện Sa Pa đang xúc tiến để tạo dựng hình ảnh và thương hiệu hoa hồng của địa phương, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã và hộ trồng hoa liên kết với nhau để tìm đầu ra ổn định, tiến tới thành lập hiệp hội hoa, cây cảnh.
Ngoài ra, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn về kiến thức và kỹ năng trồng hoa cho nông dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Hiện giống hoa hồng Pháp vẫn ít được trồng do giá thành cao nên bà con vẫn lấy giống từ Vĩnh Phúc. Muốn tạo được nét khác biệt để xây dựng thương hiệu cho hoa hồng Sa Pa, huyện đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho bà con đưa nhiều giống mới vào trồng thử nghiệm. Mong rằng, với những cố gắng này, hoa hồng Sa Pa sớm có một thương hiệu.
Theo kinhtenongthon