Ngoài sân, nhìn những hoa mai bắt đầu động đậy, tách vỏ xanh, hé màu vàng
mơ màng rồi bung từng cánh một trong nắng, là biết, Xuân phương Nam
đang đến thật gần…
Mai không chỉ là hoa để
trang trí cho sắc màu Tết, mà còn là biểu tượng Phúc - Lộc trong năm,
Mai như vị thần linh tiên đoán tương lai trong năm mới. Nếu Mai nở hoa
rộ trong ba ngày Tết, cánh hoa đều đặn, sắc vàng tươi là năm đó gia chủ
phúc lộc mỹ mãn. Nếu hoa nụ héo, rụng, cánh hoa bé quăn, thì gia chủ sẽ
gặp nhiều khó khăn vất vả. Mai là buồn vui một năm mới… nên đối với Mai,
không chỉ gượng nhẹ nâng niu “hứng hoa”, mà còn cả sự tôn kính ngầm như
“linh hoa” của Xuân. Hết Tết, dù hoa đã rụng hết, không vứt bỏ cành mà
giâm dưới đất để trồng thành một cây mai cho mùa Xuân tới.
Hoa Mai không đẹp lồ lộ như các loài
hoa khác, mà kín đáo phô diễn vẻ đẹp tiềm ẩn của mình, chỉ có con mắt
nhìn, có tâm cảm được mới nhìn thấy vẻ đẹp đó. Từ dáng cây theo những
thế tượng trưng: Long - Phụng - Phong - Vân - Sơn - Thủy…, dáng cành Tam
Tài: Thiên - Địa - Nhân, Bốn phương: Thượng Hạ Tả Hữu, đến búp trên
cây: búp tròn như hạt cườm là những chùm hoa vàng đang ẩn náu chờ đúng
thời khắc bung nở, búp hình móng gà là nơi ẩn thân của những lá non xanh
trong như ngọc. Khi hoa nở, lá chồi ra điểm xuyết cho màu vàng mai thêm
quyến rũ. Và hương hoa, không phải ai cũng biết được mùi thơm của Mai
vàng. Nó là một thứ hương gọi là “ám hương”, chỉ khi đêm xuống, tiết
trời hơi se se, vạn vật ngủ yên, lúc ấy tâm người cũng phải tịnh không
vọng động thì mới cảm nhận được hương thơm thanh khiết đầy bí ẩn lẩn
quất. Càng tịnh, hương thơm càng tỏa ra… Chính điều này cũng tạo nên cốt
cách của Mai.
Có lẽ vì thế mà Mai đã song hành cùng nhiều nhà thơ xưa nay. Mai đã đi vào thơ Thiền sư Không Lộ thời Lý,… nhà sư Huyền Quang Tôn Giả, một trong ba vị Thiền Tố Trúc Lâm thời Trần, Mai có mặt trong thơ Thần của Nguyễn Trãi thời Lê, được Nguyễn Du, triều Nguyễn mượn để ví vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Rồi tới Tản Đà, Nguyễn Đình Chiểu, mãi như một tri âm tri kỉ trong thơ của mình. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt đầy gian khổ hy sinh , nhưng Mai trong vần thơ của Thanh Hải, Chế Lan Viên, Thanh Thảo… vẫn đằm thắm và chứa đựng bao tình yêu trong từng cánh hoa mai vàng. Người quân tử phương Đông cũng lấy Mai tượng trưng cho khí tiết của mình, như Chu - Thần- Cao - Bá Quát với câu thơ để đời:
“Thập tái luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đề thứ bái hoa mai
Mười năm chu du tìm gươm cổ
Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai”.
Khi những cơn mưa mùa vừa chấm dứt, tiết trời heo may về đêm như ủ sương
cho những gốc mai, cái nắng hanh như vuốt nhẹ thức tỉnh mầm lộc mai..
Và lúc những bầy chim én lũ lượt làm tổ báo hiệu Xuân đến Tết về. Tết ở
phương Nam có hai đặc sản không có miền nào sánh được: Dưa hấu - Mai
vàng. Không có mai thì không còn là Tết. Hoa chỉ nở rộ trong 3 ngày Tết
nhưng sắc vàng nắng theo suốt cả năm.
Sưu tầm